Khoảng trên dưới 70 năm trước, khi Việt Nam vẫn còn là thuộc địa của người Pháp, du khách muốn đến Hạ Long chủ yếu là từ Hà Nội xuống Hải Phòng bằng tàu hoả rồi đi tàu thuỷ, hoặc ô tô sang Hòn Gai.
Đầu thế kỷ 20, sau khi đã hoàn thành việc xâm chiếm khu mỏ Hòn Gai, thực dân Pháp đẩy mạnh khai thác than để đưa về phục vụ ngành công nghiệp ở “mẫu quốc”. Bên cạnh than, người Pháp cũng không bỏ lỡ cơ hội khai thác tiềm năng du lịch của Vịnh Hạ Long. Mặc dù quy mô còn hạn chế, nhưng trong cái cách người Pháp khai thác du lịch khi ấy, có nhiều cái là tiền đề của một số dịch vụ “hot” hiện nay trên Vịnh Hạ Long.
Trong bản dịch cuốn cẩm nang du lịch bằng tiếng Pháp do Liên hiệp Các nghiệp đoàn du lịch miền Bắc Đông Dương xuất bản năm 1938, lưu tại Thư viện Học viện Viễn Đông Bác Cổ (nay là Thư viện Khoa học xã hội) mà tác giả bài viết này sưu tầm được có bài “Du lịch Vịnh Hạ Long” - giới thiệu vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long cùng những lăng tẩm ở Huế và các di tích Angkor của Campuchia. Trong đó, phần viết về Vịnh Hạ Long có nhiều thông tin khá lý thú, cho ta có cái nhìn về cách người Pháp khai thác dịch vụ du lịch trên vịnh thời bấy giờ.
Theo tài liệu trên, khoảng trên dưới 70 năm trước, khi Việt Nam vẫn còn là thuộc địa của người Pháp, du khách muốn đến Hạ Long chủ yếu là từ Hà Nội xuống Hải Phòng bằng tàu hoả rồi đi tàu thuỷ, hoặc ô tô sang Hòn Gai. Đáng nói là, ngay từ ngày ấy, người Pháp đã ca ngợi Hạ Long là kỳ quan thứ 8 của thế giới. Các chuyến tham quan Vịnh Hạ Long thường được người Pháp tổ chức quy mô vào các dịp Lễ các Thánh (1-11), Giáng sinh (24-12), Tết Nguyên đán của người Việt… và được quảng cáo trên
báo chí ở Hà Nội, Hải Phòng. Ngoài ra, du khách tham quan theo đoàn có thể báo trước 48 giờ cho hãng du lịch. Mỗi hành trình tối thiểu là 2 ngày, nhiều là 4 ngày.
Vịnh Hạ Long - ảnh do một người Pháp tên là C.Berrufer chụp năm 1938. Nguồn: KTS Đoàn Bắc (Hà Nội) sưu tầm
Một trong những hãng du lịch lớn nhất trên Vịnh Hạ Long khi đó là hãng P.Roque. Hãng này có một đội tàu hơi nước hạng sang đặt tên theo các loại ngọc như: Perle (ngọc trai), Emeraude (ngọc lục bảo), Rubis (hồng ngọc), Saphir (ngọc lam)… Mỗi tàu phục vụ được ít nhất là 20 người. Trên tàu có phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn, có quạt điện, buồng tắm, tủ lạnh, buồng tối dành cho nghề ảnh. Giá thuê tàu theo ngày chứ không theo số người, một ngày là 140 đồng bạc Đông Dương, ba ngày là 120 và bốn ngày là 100 đồng Đông Dương.
Ngoài ra, hãng còn có 1 tàu chân vịt tên là Onyx thích hợp cho du khách đi theo nhóm nhỏ, giá thuê một ngày là 100 đồng, ba ngày là 80 đồng và trên bốn ngày là 60 đồng/ngày. Khách đi tàu được phục vụ cà phê, bánh mì và bơ, sữa, ram-bông… Bữa trưa và bữa tối ăn kiểu Âu. Với hành trình hai đến bốn ngày, du khách sẽ được đưa tham quan các hang động trên Vịnh, cảng Vạn Hoa, lên bộ tham quan các mỏ than ở Hà Tu, Cẩm Phả, thậm chí đi tàu thuỷ đến tận cảng Vạn Hoa (Vân Đồn), Mũi Ngọc (Móng Cái). Ngoài ra, còn có các tour tàu thuỷ ngược sông đến Đông Triều, lên tới Đáp Cầu (Bắc Ninh)...
Ngoài đi tàu hạng sang theo các tour kể trên, du khách có thể thuê xuồng gắn máy khám phá vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long. Hòn Gai khi đó chỉ có hai điểm dịch vụ cho thuê xuồng gắn máy, một ở Khách sạn Mỏ (Hotel de Min - ở bến phà Hòn Gai cũ) và một của CLB Hàng Hải ở Bãi Cháy. Giá thuê xuồng có thể theo ngày, theo giờ, tuỳ theo loại xuồng, cao nhất là 4,5 đồng/1 giờ/xuồng. Ngoài ra, có thời gian, du khách có thể thuê thuyền tam bản (thuyền nan), để tham quan các hang động, giá thuê từ 2,5-3 đồng/ngày.
Nếu không ngủ trên tàu, du khách có thể chọn ngủ Khách sạn Mỏ là khách sạn tiện nghi và độc nhất ở Hòn Gai khi ấy, giá phòng từ 6-9 đồng/ngày; hoặc ngủ tại khách sạn nhỏ của người Nhật ở Bãi Cháy có tên “Quán trọ Vịnh Hạ Long”…
Ngày nay, dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long không ngừng được các doanh nghiệp mở rộng về quy mô và số lượng. Các dịch vụ đã và đang thu hút khách như nghỉ đêm ở tàu trên Vịnh, chèo kayak, tham quan hang động… về cơ bản, đã được người Pháp chú ý khai thác ngay từ cách nay gần 1 thế kỷ.
Nhận xét
Đăng nhận xét